Thứ Tư, 30 tháng 4, 2014

[Nhà đất-Báo Tin tức] - Về biên giới xem đàn bà xây nhà

Ông bà ta có câu: “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, nhưng những người phụ nữ ở xã Bình Hiệp (Mộc Hóa, Long An) thì không ngồi yên chờ các ông chồng xây nhà. Họ coi đó là trách nhiệm của mình trong việc xây dựng mái ấm gia đình. Đến Bình Hiệp hôm nay, đi đâu cũng nghe các bà, các chị bàn nhau việc mua gạch, mua cát, xi măng để xây nhà.



Bình Hiệp là một xã vùng biên, giáp ranh với Campuchia của huyện Mộc Hóa, hàng năm chịu ảnh hưởng trực tiếp của nước lũ. Do kinh tế khó khăn, đa phần người dân đều sống trong những căn nhà lá được che chắn tạm bợ, trống tường, hở mái. Với 2 -3 sào ruộng trồng lúa, thu nhập hàng năm của mỗi gia đình chưa tới 30 triệu đồng, trang trải cái ăn cái mặc cho 4 - 5 người và học hành cho các con cũng khiến nhiều gia đình chật vật nên họ không dám nghĩ đến việc xây nhà. Khi nhà nước chủ trương xây dựng nông thôn mới, tiêu chí về kiên cố nhà ở nông thôn thật sự là thách thức đối với người dân nơi đây.

Không trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước, một số chị em hội viên hội phụ nữ ở ấp Gò Dưa, xã Bình hiệp đã đưa ra sáng kiến về mô hình tổ góp xi măng xóa nhà tạm. Tham gia mô hình này, mỗi thành viên sẽ góp 30 bao xi măng (trị giá khoảng 3 triệu đồng), tập trung cho gia đình 1 thành viên trong tổ để xây nhà gạch thay thế nhà lá. Việc góp xi măng được thực hiện mỗi năm 2 lần, ngay sau các vụ lúa đông xuân và hè thu.

Như vậy, hàng năm sẽ có 2 gia đình thành viên được góp xi măng để xây nhà, luân phiên cho tới khi tất cả thành viên đều có nhà kiên cố. Để tránh việc một số gia đình có nhà dột nát phải chờ đợi lâu, mô hình được thực hiện theo 2 giai đoạn; trong đó, giai đoạn đầu, các chị em góp xi măng để xây tường gạch, lợp mái tôn thay thế cho nhà lá. Sau khi hoàn thành việc gạch hóa, mọi người bắt đầu góp xi măng lần 2 để tô tường và hoàn thiện các công trình phụ như nhà vệ sinh, bể chứa nước sạch.

Chị Nguyễn Thị Hương – Chi hội trưởng chi Hội Phụ nữ ấp Gò Dưa cho biết: Qua 3 năm triển khai thực hiện, mô hình đã hỗ trợ các thành viên xây được 6 căn nhà kiên cố (mỗi căn trị giá từ 70-150 triệu đồng, tùy điều kiện kinh tế từng gia đình). Năm 2014, sẽ có thêm 2 thành viên được góp xi măng xây nhà. Sau mỗi vụ lúa lại có thêm nhiều chị em đăng kí tham gia góp xi măng, như một hình thức tiết kiệm vốn cho việc xây nhà và giúp các thành viên khác. Chi hội sẽ vận động các thành viên duy trì mô hình này cho tới khi xóa hết nhà tạm trong ấp.

Chị Phan Thị Phượng đã tham gia tổ góp xi măng từ những ngày đầu, căn nhà chị đang ở cũng được xây lên từ mô hình này. Sau khi có nhà kiên cố, chị tiếp tục góp xi măng để giúp gia đình đứa con gái. Chị Phượng tâm sự: Con gái tôi lấy chồng rồi ra riêng gần 10 năm nay, nhưng kinh tế rất khó khăn. Hàng ngày, cả gia đình 4 miệng ăn chỉ trông chờ vào việc bán vé số và làm thuê.

Căn nhà lá cất tạm trên mảnh đất bố mẹ cho, cứ mùa bão lũ là sập xuống rồi lại dựng lên. Sau mấy năm dành dụm, tham gia tổ góp xi măng, tôi đã chuẩn bị gạch, đá, cát chỉ chờ thu hoạch lúa đông xuân xong (khoảng cuối tháng 3/2014) là nhận xi măng đóng góp của chị em để xây nhà gạch cho con. Hy vọng khi có nhà mới, các con sẽ yên tâm làm ăn và nuôi các cháu học hành đến nơi đến chốn.

Nhận thấy hiệu quả từ mô hình tổ góp xi măng xây nhà của các hội viên phụ nữ ấp Gò Dưa, Hội liên hiệp Phụ nữ xã Bình Hiệp đã cho nhân rộng ra các ấp khác và được các chị em hội viên hưởng ứng nhiệt tình. Chị Lê Thị Mai – Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ xã Bình Hiệp phấn khởi cho biết: An cứ mới lạc nghiệp, khi có nhà ở kiên cố rồi, người dân yên tâm phát triển sản xuất.

Xuân Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét