Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch HĐND thành phố Ngô Thị Doãn Thanh; Phó Bí thư Thành ủy Tưởng Phi Chiến; Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Đào Văn Bình; Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hồ Quang Lợi; Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành chức năng đã tham dự buổi làm việc. Thành ủy Hà Nội nhận định, quá trình phát triển văn hóa, xây dựng con người ở Hà Nội trong 30 năm đổi mới diễn ra trong bối cảnh thời cơ và thách thức đan xen. Trải qua 6 kỳ đại hội sau đổi mới, Đảng bộ thành phố đã quán triệt sâu sắc và vận dụng linh hoạt những chủ trương, tư tưởng của Đảng về phát triển văn hóa, xây dựng con người phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Thủ đô; xây dựng người Hà Nội không tách rời quan điểm của Đảng về xây dựng con người Việt Nam, nhưng mang nét đặc thù riêng. Nhờ đó, nhiệm vụ xây dựng văn hóa, xây dựng con người Việt Nam trên địa bàn Hà Nội trong thời kỳ đổi mới đạt được kết quả khả quan. Tỷ lệ hộ gia đình đạt danh hiệu "Gia đình văn hóa" ở mức 84%, tỷ lệ làng văn hóa là 54%, tổ dân phố văn hóa - 64%, đơn vị văn hóa - 60% (cao hơn nhiều so với mức trung bình của cả nước). Tình trạng tổ chức lễ cưới, lễ tang rườm rà, ăn uống tràn lan, nhất là ở khu vực ngoại thành đã được khắc phục đáng kể… Tuy vậy, công tác xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh tiến triển chậm, chưa hình thành được hệ giá trị nhân cách với các chuẩn mực rõ ràng về đạo đức, lối sống nên hiệu quả chưa tương xứng với tiềm năng. Kinh phí đầu tư cho việc tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị di tích còn thấp; phong trào xây dựng đời sống văn hóa có nơi còn nặng về hình thức… Báo cáo việc giải quyết các vấn đề xã hội trên địa bàn trong tình hình mới, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, Hà Nội đặc biệt quan tâm tới đối tượng chính sách, hưởng trợ cấp xã hội bằng cách mở rộng mạng lưới trường dạy nghề, ban hành cơ chế riêng cho hộ nghèo vay vốn với lãi suất thấp, hỗ trợ kinh phí cho hộ nghèo tu sửa nhà dột nát, thực hiện tốt phong trào "Đền ơn đáp nghĩa"… Thực hiện "Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống y tế thành phố Hà Nội đến năm 2020", Hà Nội đã và đang xây dựng mới một số bệnh viện, thu hút và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các bệnh viện tuyến huyện, từng bước củng cố, hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị cho hệ thống y tế cơ sở… Nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, từ năm 2008 đến nay, Hà Nội đầu tư kinh phí xây mới hơn 12.000 phòng học văn hóa và bộ môn, xây mới thay thế hơn 5.500 phòng học tạm, xuống cấp, đưa số trường đạt chuẩn quốc gia lên 32,1%... Để phát huy tốt hơn nữa nguồn lực văn hóa, xã hội của Thủ đô, Thành ủy Hà Nội kiến nghị Chính phủ, các bộ, ban, ngành chức năng dành sự đầu tư cho văn hóa cân bằng, phù hợp với tốc độ phát triển kinh tế; ban hành văn bản dưới luật về quản lý các hoạt động văn hóa, tránh sự chồng chéo giữa TƯ và Hà Nội; tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho Hà Nội; sớm ban hành các nghị định, thông tư cụ thể hóa Luật Thủ đô… Phát biểu chỉ đạo, Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân ghi nhận Hà Nội đã triển khai việc xây dựng văn hóa, con người và giải quyết các vấn đề xã hội trong thời kỳ đổi mới theo cách riêng, phù hợp với tình hình thực tiễn. Các cơ quan, ban, ngành của thành phố cần làm rõ hơn nữa các thuộc tính của người Hà Nội, phân tích kỹ việc đã làm được, việc gì chưa làm được và đưa ra lời lý giải thỏa đáng. Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ cho rằng, Hà Nội cần thường xuyên đối thoại với người dân, điều tra, nghiên cứu sự chuyển dịch giá trị và hành vi giữa các thế hệ để tìm ra giải pháp. Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Tưởng Phi Chiến khẳng định, Hà Nội sẽ nhìn thẳng vào thực tiễn, sẽ triển khai chương trình xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đến các đối tượng cụ thể, sẽ quan tâm nhiều hơn nữa nhằm giải quyết các vấn đề xã hội…
|